TRƯỜNG
ĐẠI HỌC KHXH&NV TP. HỒ CHÍ MINH
TIỂU
LUẬN CHUYÊN ĐỀ:
CÁC
NỀN VĂN MINH TRÊN THẾ GIỚI
_________________________
TÊN ĐỀ TÀI
PHÂT GIÁO VỚI VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á
GIẢNG VIÊN: HỌC VIÊN THỰC HIỆN:
GS. ĐỖ VĂN NHUNG HỌ &
TÊN: LÝ KIM CƯƠNG
LỚP: CAO HỌC LSVN
KHÓA: 2010-2012 (ĐỢT 1)
MÃ SỐ HV:
NĂM 2012
BỐ CỤC
PHẦN
MỞ ĐẦU
PHẦN
NỘI DUNG
1. PHẬT GIÁO, MỘT TRONG
NHỮNG THÀNH TỰU VĨ ĐẠI CỦA VĂN MINH NHÂN LOẠI
1.1. Lịch sử hình thành và giá trị tư
tưởng cơ bản của Phật giáo
1.1.1.
Sự hình thành Phật giáo
1.1.2.
Những phẩm chất cá nhân của Đức Phật
1.1.3.
Hệ thống giáo lý và giá trị tư tưởng cơ bản của Phật giáo
1.2. Sự phát triển Phật giáo tại Ấn Độ
1.3. Ảnh hưởng, sức lan tỏa của Phật giáo
2 PHẬT GIÁO VỚI VĂN HÓA
ĐÔNG NAM Á
2.1.Phật
giáo với văn hóa một số nước Đông Nam Á ngoài Việt Nam
2.1.1.
Sự tiếp nhận Phật giáo ở một số quốc gia Đông Nam Á
2.1.2.
Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hóa nghệ thuật của một số nước Đông Nam Á
2.2. Phật giáo với văn hóa Việt Nam
2.2.1.
Sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam
2.2.2.Ảnh
hưởng của Phật giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam
*Phật
giáo với kiến trúc chùa chiền Việt Nam
*Phật giáo với văn hóa tinh thần truyền thống của
người Việt
KẾT LUẬN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM
KHẢO
PHẦN MỞ ĐẦU
Ấn Độ thời cổ đại có phạm vi địa lý bao gồm các nước
Ấn Độ, Pakixtan, Ban-gla-dex và Nê-pan ngày nay. Người ta thường coi đây là một
tiểu lục địa với dân số đông (bằng 1/5 dân số thế giới), đất đai rộng lớn và sự
đa dạng về địa lý, khí hậu, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa. Ấn Độ có nền văn minh
lâu đời và phát triển đều đặn từ hơn 3.000 năm trước Công nguyên cho tới ngày
nay, mở đầu bằng các nền văn minh cổ đại như văn minh Harappa Mahenjo Daro (văn
minh sông Ấn), văn minh Vê đa (văn minh sông Hằng)… Những thành tựu văn minh
nổi bật của Ấn Độ thời cổ đại bao gồm: Chữ viết, Văn học, Thiên văn học và lịch
pháp, Tư tưởng-tôn giáo, Nghệ thuật, Toán học, Y học, Quản lý xã hội, trong đó,
tư tưởng Phật giáo là một trong những thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại.
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, được hình
thành ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Với hệ thống giáo lý đồ sộ
chứa đựng những giá trị nhân bản cao cả, Phật giáo có sức trường tồn và lan tỏa
rộng khắp nhiều nước trên thế giới và trở thành một trong những di sản vĩ đại
của văn minh nhân loại thời cổ đại.
Phật
giáo du nhập vào Đông Nam Á từ rất sớm và được các quốc gia này phát triển phù
hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa mỗi nước. Sự kết hợp các giá trị văn hóa Phật
giáo với văn hóa bản địa, góp phần làm giàu thêm cho nền văn hóa các nước Đông
Nam Á với những dấu ấn Phật giáo thấm đẫm trong văn hóa đạo đức, tinh thần, văn
hóa nghệ thuật của các nước. Vì vậy, nghiên cứu đề tài “Phật giáo với văn hóa
Đông Nam Á”, tôi mong muốn từng bước tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển
của Phật giáo, những giá trị nhân bản của Phật giáo, cũng như quá trình thâm
nhập, ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa khu vực Đông Nam Á, trong đó có
Việt Nam. Từ đó, hiểu thêm về nền văn minh cổ đại Ấn Độ, hiểu thêm về Phật giáo
và văn hóa Phật giáo ở Đông Nam Á, nhất là ở Việt Nam, nhằm phát huy những giá
trị tích cực của Phật giáo trong hoàn cảnh mới hiện nay của đất nước ta, góp
phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
PHẦN NỘI DUNG
1. PHẬT GIÁO, MỘT TRONG
NHỮNG THÀNH TỰU VĨ ĐẠI CỦA VĂN MINH NHÂN LOẠI
1.1. Lịch sử hình thành và giá trị tư
tưởng cơ bản của Phật giáo
1.1.1.
Sự hình thành Phật giáo
Phât
giáo là một trong các tôn giáo lớn nhất của thế giới, ra đời vào thế kỷ thứ VI
trCN ở vùng Bắc Ấn Độ. Người sáng lập Đạo Phật là Siddharta Gautama (Tất Đạt Đa
Cồ Đàm), thuộc dòng họ Thích Ca (Sakya), là Thái tử của nước Ca tỳ la vệ
(Capilavastu) trên vùng chân dãy Hymalaya, miền đất bao gồm một phần miền Nam
nước Nêpan và một phần Đông Bắc Ấn Độ ngày nay. Sau khi Đức Phật thành đạo,
người đời tôn vinh Ngài là Sakya Murita (Thích Ca Mâu Ni, tức là Thánh nhân của
dòng họ Sakya) hay Boudha (Bụt, Đức Phật, nghĩa là bậc giác ngộ), vì vậy ngày
nay, ta thường gọi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong
thời kỳ chiếm hữu nô lệ ở Ấn Độ, chế độ phân biệt đẳng cấp gắn với sự thống trị
của tư tưởng tôn giáo Bà La Môn làm xuất hiện rất nhiều trường phái tư tưởng -
tôn giáo chống lại tư tưởng đẳng cấp cực đoan của đạo Bà La Môn. Đạo Phật ra
đời trong hoàn cảnh đó.
Đức
Phật xuất thân trong gia đình hoàng tộc, nhưng cảm thông sâu sắc với thân phận
của con người nói chung và của tầng lớp dân nghèo nói riêng. Năm 29 tuổi, Ngài
rời khỏi triều đình, đi tu với mong muốn tìm con đường giải thoát cho con người
khỏi mọi sự đau khổ của đời sống. Năm 35 tuổi, Đức Phật “chứng ngộ”, hoàn thành
cơ bản hệ thống tư tưởng về cứu vớt chúng sinh khỏi sự đau khổ và bắt đầu thực
hiện quá trình truyền bá tư tưởng của mình ra quần chúng. Ban đầu, Đức Phật
truyền bá tư tưởng Phật giáo cho những nhà tu hành, những người thông thái, xây
dựng thành giáo đoàn, sau đó tiếp tục truyền bá cho toàn dân.
Về
niên đại của Phật, có tài liệu cho rằng Phật sinh năm 563 trCN và mất năm 483
trCN; có tài liệu cho rằng Phật sinh năm 624 trCN và mất năm 544 trCN. Ngày
nay, tín đồ đạo Phật lấy năm 544 trCN làm năm mở đầu kỷ nguyên Phật giáo.
1.1.2. Những phẩm chất cá
nhân của Đức Phật
Theo truyền thuyết và những lời kể từ
các môn đồ của Đức Phật, Ngài là một người rất nhiều nghị lực, uy nghi và hào
hùng, nhưng ngôn ngữ, cử chỉ lại rất dịu dàng và có đức bao dung đại độ; Ngài
rất khiêm tốn, trong các cuộc tranh luận, Ngài luôn kiên nhẫn và tôn trọng ý
kiến của người khác; Ngài rất nhân từ, luôn cố tránh không làm huỷ hoại đời
sống của mọi sinh vật; Ngài rất ghét sự tàn bạo, không khi nào nói xấu hoặc vu
oan cho ai; Ngài luôn cố gắng hoà giải những kẻ chia rẽ, khuyến khích mọi người
sống hoà hợp với nhau; Ngài yêu hoà bình, phụng sự hoà bình và luôn lấy đức báo
oán…
Đức Phật thường đi từ nơi này sang
nơi khác khắp nước để thuyết pháp, theo sau là các đệ tử thân tín. Khi Ngài đi
qua các nơi, đông đảo tín đồ ngưỡng mộ đi theo. Giống như những nhà triết học
thời cổ đại, khi thuyết giảng, Ngài thường đặt những câu hỏi, hoặc kể một truyện
ngụ ngôn có tính cách luân lý, hoặc đàm đạo, biện luận một cách lễ độ, đưa ra
những câu ngắn, cô đọng, tóm tắt được đạo của Ngài để mọi người dễ nhớ.
Những tính cách nói trên của Đức Phật
đã thể hiện phần nào nội dung tư tưởng của Phật giáo, những triết lý nhân sinh
đầy tính nhân văn cao cả.
1.1.3. Hệ thống giáo lý
và giá trị tư tưởng cơ bản của Phật giáo
Phật giáo vừa là một tôn giáo, vừa là một hệ thống tư tưởng triết
học, tâm lý học, đạo đức học. Sau khi xây dựng hệ thống giáo lý, Đức Phật bắt
đầu truyền bá tư tưởng của mình cho những nhà tu hành và nhanh chóng tổ chức
được một giáo đoàn với các
giới luật khá chặt
chẽ. Nhờ giá trị nhân
bản cao cả và sự uyển chuyển của giáo pháp, đạo Phật thích
nghi với nhiều hoàn cảnh xã hội, nhiều lớp người, nhiều tập tục ở các thời kỳ khác nhau. Do đó ngày nay, Phật giáo vẫn
tiếp tục tồn tại và phát triển rộng rãi trên toàn thế giới, ngay cả trong
các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ và Châu Âu.
Sau
nhiều lần kết tập kinh điển[1],
tư tưởng Phật giáo được sắp xếp thành hệ thống giáo lý đồ sộ gồm ba tạng kinh:
Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận:
- Tạng
Kinh gồm các bài giảng của chính Đức Phật hoặc các đại đệ tử của Người. Kinh
tạng tiêu biểu theo văn hệ Pali được chia làm năm bộ: Trường bộ kinh, Trung bộ
kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Tiểu bộ kinh.
- Tạng Luận là những lời bàn luận, giải thích những điều Phật
dạy, do các môn đồ sau này của Đức Phật, tức các vị Bồ tát viết ra. Tạng Luận
chứa đựng các quan niệm của đạo Phật về triết học và tâm lý học.
-Tạng
Luật là các giới luật của người xuất gia, được xem là tạng sách cổ nhất, ra đời
chỉ vài mươi năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn.
Phật
nhận thức ba đặc trưng của cuộc đời là vô
thường,
vô ngã và khổ. Tư tưởng Phật giáo
cho rằng vạn vật trong thế giới là vô thường, không có cái gì thường định, mà
luôn biến hóa. Cũng vì vậy, không có sự tồn tại cái ta, tức là triết lý về sự vô ngã. Thuyết Nhân – Quả cho rằng mọi vật đều do nhân duyên hợp thành,
trong đó nhân là nguyên nhân chủ yếu, duyên là nguyên nhân phụ, như là những
yếu tố xúc tác giúp nhân phát triển thành quả. Và quả lại tiếp tục là nhân của
một quan hệ nhân - quả khác… Cứ thế, nhân – quả là một chuỗi liên tục, không có
đầu, không có cuối, vì vậy sự tồn tại của mọi sự vật hiện tượng đều là tạm
thời, vô thường định. Cũng vì vậy, không có vị thần tối cao nào sinh ra vũ trụ
theo như lý thuyết của đạo Bà La Môn và nhiều trường phái tôn giáo khác.
Cốt
lõi của tư tưởng Phật giáo là thuyết nhân – quả và Tứ diệu đế. Tứ diệu đế là
bốn chân lý do Đức Phật đúc kết được trong quá trình chiêm nghiệm thực tiễn
cuộc sống, mà Phật pháp thường gọi là sự chứng ngộ lúc đạt đạo. Tứ đế là các
giải đáp cho những nhu cầu bức xúc của thời đại, mà trước hết là xã hội cổ đại
Ấn Độ gần cuối thời kỳ chiếm hữu nô lệ với chế độ phân biệt đẳng cấp hết sức
gay gắt. Tứ đế thể hiện tập trung tinh thần nhân bản cao cả của Phật giáo,
thông cảm, yêu thương và chỉ ra con đường giải thoát con người khỏi mọi đau
khổ, như Đức Phật thường nói: “Trước đây và ngày nay ta chỉ lý giải và nêu ra
cái chân lý về nỗi đau khổ và sự giải thoát nỗi đau khổ… Cũng như nước đại
dương chỉ có một vị là mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là cứu vớt”[2]
Tứ
diệu đế bao gồm:
1.Khổ đế tức chân lý về sự Khổ. Chân lý này nói lên rằng mọi sự tồn tại
trên cõi đời này đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn. Cuộc đời con người
cũng là bể khổ vì phải chịu cảnh sinh, lão, bệnh, tử; khổ vì phải xa lìa người
mình yêu quý, phải ở gần người mình ghét bỏ; muốn mà không đạt sở nguyện… Cho
nên Đức Phật khẳng định: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”.
2.Tập
đế là chân lý về nguyên
nhân của khổ. Để cắt nghĩa nỗi khổ của nhân loại, Phật đưa ra thuyết “thập nhị
nhân duyên” hay thuyết “Duyên khởi”, nêu lên mười hai nguyên nhân và kết quả
nối theo nhau dẫn đến các đau khổ của con người (1. Vô minh; 2. Hành; 3. Thức;
4. Danh sắc; 5. Lục nhập; 6. Xúc 7. Thụ; 8. Ái; 9. Thủ; 10. Hữu; 11. Sinh; 12. Lão tử)[3].
Phật nói: “Do duyên Vô minh, Hành sinh;
do duyên Hành, Thức sinh; do duyên Thức, Danh sắc sinh…; do duyên Sinh, Lão tử sinh; do duyên Lão tử, sầu - bi - khổ - ưu - não
sinh. Như vậy là sự sinh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỳ kheo, đây gọi
là “Duyên Khởi”. “Nhưng từ sự tan biến và chấm dứt hoàn toàn Vô minh, Hành chấm
dứt; từ sự chấm dứt Hành, Thức diệt… ; do Sinh diệt mà Lão-tử-sầu-bi-khổ-ưu-não
diệt. Như vậy là sự chấm dứt hoàn toàn toàn bộ khổ uẩn này”[4].
Trong các nguyên nhân
trên, vô minh là nguyên nhân sâu xa của khổ. Con người vì không hiểu biết những
quy luật tự nhiên và quy luật đời sống cho nên luôn đi tìm những cách thỏa mãn
dục vọng, ham muốn của mình. Tất cả những ham muốn đó đều là trái với quy luật
tự nhiên và xã hội, vì vậy, càng tìm kiếm sự thỏa mãn dục vọng, con người càng
phải đối mặt với thất vọng, khổ đau. Do đó, phải tu học để thoát khỏi vô minh,
tham ái… thì mới thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, tức là
chứng ngộ Niết bàn[5].
Phê
phán sự tham ái, Đức Phật lên án nhất là “cái dục vọng vị kỷ, dục vọng hướng về
cái lợi riêng của một phần tử chứ không phải cái lợi chung của toàn thể, nhất
là cái tính dục nó làm cho con người
sinh con đẻ cái, thêm hoài những khoen mới vào cái chuỗi sinh sinh, tạo nên
những nỗi khổ mới chẳng có mục đích gì cả”[6].
Nhưng Phật giáo không chấp nhận tự tử như trường phái Jaïna, vì theo Đức Phật,
nếu tự tử để thoát khổ mà linh hồn vẫn còn dục vọng thì vẫn chưa thoát được
vòng luân hồi sinh tử, cứ phải đầu thai hoài cho tới khi hoàn toàn trút hết bản
ngã mới thôi.
3. Diệt đế là chân lý về diệt khổ. Muốn diệt hết khổ thì phải diệt cái
gốc của nó, tức là phải diệt bỏ sự tham ái và sự vô minh.
4. Đạo đế là chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ, mà phương pháp để
đạt được sự diệt khổ là thực hành Bát chính đạo. Bát chính đạo gồm:
- Chính kiến: Gìn giữ một quan niệm xác đáng về Tứ diệu đế và giáo lý vô ngã.
- Chính tư duy: Suy nghĩ, nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của tứ diệu đế.
- Chính ngữ: Lời nói luôn đúng đắn, không nói dối, không nói những điều
không đúng.
- Chính nghiệp: Việc làm luôn đúng đắn, tránh phạm giới luật.
- Chính
mệnh: Tránh các nghề
nghiệp liên quan đến sát sinh như đồ tể, thợ săn, buôn vũ khí, buôn thuốc
phiện. Để thực hiện chính mệnh, Đức Phật yêu cầu tuân theo ngũ giới (1. Không
sát sanh 2. Không trộm cắp 3. Không vọng ngữ 4. Không uống rượu 5. Không tà
dâm)
- Chính tinh tiến: Phát triển nghiệp tốt, diệt trừ
nghiệp xấu.
- Chính niệm: tỉnh giác trên ba phương diện thân,
khẩu, ý.
- Chính định: Tập trung tâm ý đạt bốn định xuất thế gian.
Giá
trị nhân bản của Phật giáo còn thể hiện trong tinh thần dân chủ, muốn cứu vớt
tất cả chúng sinh không phân biệt xuất thân. Phật nhận vào tăng hội bất kỳ
người thuộc đẳng cấp nào. Ngài khuyên các đệ tử nên đi thuyết pháp khắp các xứ,
tới đâu cũng bảo rằng giàu nghèo, sang hèn gì thì mọi người cũng như nhau, và
mọi đẳng cấp tan hoà trong tôn giáo của Phật như mọi con sông tan vào biển cả.
Ngài thường nói: “Ta là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành”.
1.2.
Sự phát triển Phật giáo tại Ấn Độ
Đạo
Phật là một tôn giáo từ bi, đơn giản và không công nhận chế độ đẳng cấp, nên
ngay từ buổi đầu hình thành đã được quần chúng hoan nghênh; thậm chí trong
nhiều thời kỳ, giai cấp thống trị Ấn Độ cũng rất ủng hộ.
*Sự
phát triển của Phật giáo có thể chia thành bốn giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất (Giữa thế kỷ thứ VI đến giữa thế kỷ
thứ V trCN): Giai đoạn nguyên thủy, do đức Phật giáo hóa và các đệ tử của Phật
truyền bá.
- Giai đoạn thứ hai (Kể từ thế kỷ thứ IV trCN): Giai
đoạn bắt đầu phân hóa thành nhiều trường phái qua các lần kết tập về giáo pháp.
Đầu
thế kỷ thứ III trCN, với sự giúp đỡ của vua Ashoka, Hội nghị kết tập kinh điển
Phật giáo lần thứ III được triệu tập. Từ đây, đạo Phật được truyền ra bên ngoài,
mà trước hết là sang Sri Lanka[7].
- Giai đoạn thứ ba (Kể từ thế kỷ thứ I trCN): Xuất hiện
giáo phái Đại thừa.
Trong
thời kỳ này, Hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ IV được tiến hành ở
Casmia thuộc nước Cusan, đạo Phật chính thức chia thành hai phái là Tiểu thừa
và Đại thừa.
Tiểu
thừa là phái Phật giáo nguyên thủy. Theo phái này thì chỉ những người xuất gia
mới được cứu vớt và Niết bàn là cảnh giới yên tĩnh gắn liền với sự giác ngộ,
sáng suốt. Phái Tiểu thừa coi Phật là vị thầy đã chỉ ra con đường giải thoát,
là người đầu tiên được lên cõi Niết bàn. Còn theo phái Đại thừa thì cho rằng
ngoài những người tu hành, những cư sĩ tại gia quy y Phật giáo cũng được cứu
vớt. Phái Đại thừa biến Phật Thích ca thành vị thần cao nhất của đạo Phật, nhưng
ngoài ra còn có các vị Phật khác như Phật A di đà, Phật Di lặc và rất nhiều vị
Bồ tát như Bồ tát Quán thế âm, Bồ tát Văn Thù… Theo phái Đại thừa, Niết bàn là
vương quốc của các vị Phật và đối lập với Niết bàn là cõi Địa ngục, nơi đọa đày
linh hồn những kẻ có tội[8].
Giai
đoạn thứ tư (Kể từ thế kỷ thứ VII): Sự xuất hiện của trường phái Mật tông (Phật
giáo Tây Tạng, Kim cương thừa).
*Nguyên nhân Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ
Phật giáo tại Ấn Độ có dấu hiệu suy tàn từ thế kỷ thứ VII và thực sự biến mất
trên đất Ấn Độ vào thế kỷ XIV. Sự suy tàn của Phật giáo có nhiều nguyên nhân:
do có sự phân hóa trong nội bộ thành nhiều tông phái khác nhau; do đạo Bà La
Môn thu nạp các tư tưởng của Phật giáo làm thành tư tưởng Bà La Môn, đồng thời tiến hành tự cải cách làm mờ
nhạt dần hình ảnh Phật giáo; ngoài ra sự bành trướng có tính bạo lực của Hồi giáo vào Ấn Độ vào cuối
thế kỷ thứ VIII, đặc biệt là những cuộc chinh phạt của quân đội Hồi giáo
Muhammad Ghuri từ năm 1178 đến năm 1203, đã khiến chấm dứt hoàn toàn Phật giáo
tại Ấn Độ. Cho đến thế kỷ XIX, với phong trào “ chấn hưng Phật giáo”, đạo Phật
từng bước được phát triển trở lại tại Ấn Độ.
Sau
thế kỷ thứ XIII, Phật giáo được xem là bị tiêu diệt tại Ấn Độ, nơi sản sinh đạo
Phật. Tuy nhiên một số giáo lý của Phật giáo đã được Hindu giáo tiếp nhận (tiêu
biểu như việc coi Đức Phật là hóa thân thứ 8 của thần Bhrama-vị thần tối cao
của Hindu giáo). Hơn nữa, tư tưởng Phật giáo đã được truyền bá sâu rộng và có
sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các
quốc gia Châu Á.
1.3. Ảnh hưởng, sức lan
tỏa của Phật giáo
Đến
đầu thế kỷ thứ III trCN, với sự giúp đỡ của vua Ashoka, Hội nghị kết tập kinh
điển Phật giáo lần thứ III được triệu tập. Tại lần kết tập này, đạo Phật được
chấn chỉnh về tổ chức và giáo lý. Đồng thời vua Ashoka còn cho xây dựng nhiều
chùa tháp. Cũng bắt đầu từ đây, đạo Phật được truyền ra bên ngoài, mà trước hết
là sang Sri Lanka[9].
Từ thế kỷ thứ
XIII, XIV, mặc dù suy tàn tại Ấn Độ, đạo Phật tiếp tục được truyền bá và
phát triển ra các nước khác ngoài Ấn Độ và mang
đậm bản sắc của các nước đó. Ngày nay, phái Tiểu thừa với quan điểm của
Thượng tọa bộ (Phật giáo nguyên thủy) được truyền bá rộng rãi tại Sri Lanka, Nepal, Bhutan, Thái Lan, Miến Điện,
Campuchia, Lào. Đại thừa được truyền tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn
Quốc, Triều Tiên, Singapora. Riêng ở Nam bộ Việt Nam, tồn tại cả hai trường
phái Tiểu thừa (Nam Tông) và Đại thừa (Bắc Tông). Giáo pháp Kim cương thừa cũng
được xếp vào Đại thừa - phát triển mạnh tại Tây Tạng, Mông Cổ.
Ngày
nay, người ta chưa thống kê được một cách chính xác số lượng tín đồ Phật giáo,
nhưng theo ước lượng có khoảng từ 1, 2 đến 1, 6 tỷ người (số người đã quy y tam
bảo)[10].
Ngoài ra, nếu kể cả số người theo đạo Phật "tự nhiên" (không làm lễ
quy y nhưng trong nhà vẫn thờ Phật, Bồ Tát... kết hợp thờ chung với thần thánh
của các tín ngưỡng truyền thống khác như thờ Thần Tài – Ông Địa, Thiên Hậu, Ngọc Hoàng
Thượng đế ... hay chỉ đơn thuần là thờ cúng tổ tiên nhưng khi làm tang lễ, đám
giỗ, lễ cầu siêu, v.v... thì dựa vào Phật Giáo) thì con số có thể còn cao hơn
nhiều, đặc biệt là tại các nước Đông Nam Á, khi Phật Giáo đã "địa phương
hóa".
Hiện
nay, trong nền văn minh hậu công nghiệp, con người luôn bị cuốn theo nhịp sống
hối hả mang nặng tính vật chất, tạo nên những áp lực tâm lý nặng nề, hụt hẫng
trong đời sống tinh thần… Trong hoàn cảnh đó, nhiều người thuộc tầng lớp trí
thức, kể cả trong xã hội phương Tây chợt muốn tìm kiếm những khoảnh khắc bình
an trong tâm hồn, và họ tìm thấy ở Phật giáo một chốn bình an. Vì vậy, tỉ lệ
người phương Tây theo Phật giáo ngày càng tăng. Số liệu thống kê cho thấy:
Tại
Hoa Kỳ: Theo World Almanac, năm 2004 có khoảng hai đến ba triệu dân Mỹ theo đạo Phật, đứng hàng thứ năm tại đây. Tỉ lệ tăng
số người theo đạo từ năm
1990 đến năm 2000 là 170%.
Tại
Úc: Theo Australian
Bureau of Statistic thì từ 1996 đến 2001, số người theo
đạo Phật có tỉ lệ tăng nhanh nhất nước này (hơn 150%). Năm 2002 có đến hơn
360.000 người dân Úc theo đạo Phật.
Tại
Pháp: theo Pluralism Project thì trong năm 1997 ở Pháp có khoảng 650.000 và ở Anh có 180.000 tín
đồ Phật giáo.
Tiến
trình phát triển của Phật giáo, dù hết sức sơ lược trên đây đã khẳng định Phật
giáo là một trong những thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại. Những giá trị
nhân bản cao cả của Phật giáo đã khiến cho tư tưởng tôn giáo này dù gặp nhiều
biến cố, dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm vẫn trường tồn và sẽ còn tiếp
tục mở rộng trên thế giới.
2 PHẬT GIÁO VỚI VĂN HÓA
ĐÔNG NAM Á
2.1.Phật giáo với văn hóa một số nước Đông
Nam Á ngoài Việt Nam
2.1.1.
Sự tiếp nhận Phật giáo ở một số quốc gia Đông Nam Á
Bằng
những con đường khác nhau, Phật giáo được truyền bá đến các nước Đông Nam Á từ
rất sớm. Từ đó đến nay, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các nước Đông
Nam Á và trở thành quốc giáo của một số nước. Qua tiến trình tiếp nhận và phát
triển Phật giáo tại một số nước Đông Nam Á sau đây sẽ cho ta thấy ảnh hưởng sâu
sắc của Phật giáo đối với khu vực này.
*Phật giáo tại Miến Điện (Myanma)
Qua
các tư liệu truyền thuyết, người ta cho rằng Phật giáo du nhập vào Miến Điện có
thể từ thế kỷ thứ III trCN, thậm chí có truyền thuyết cho rằng Miến Điện tiếp
cận Phật giáo từ khi Đức Phật còn tại thế, do các thương nhân Ấn Độ trực tiếp
đưa vào. Nhưng phải đến thế kỷ thứ V sau
công nguyên, Phật giáo mới đặc biệt phát triển với các trường phái Phật giáo
Nguyên thủy, Đại thừa và sau đó là Mật tông. Sau nhiều bước thăng trầm, biến
đổi, ngày nay, Phật giáo vẫn là quốc giáo của Miến Điện với 90% dân số theo đạo
Phật.
*Phật
giáo ở Thái Lan
Phật
giáo được truyền vào Thái Lan khá sớm. Có ý kiến cho rằng đó là vào thế kỷ III
trCN, thời kỳ vua Ashoka ở Ấn Độ đưa người đi truyền giáo khắp nơi. Qua tư liệu khảo cổ ở Thái Lan, các
sử gia cho rằng Phật giáo du nhập vào Thái Lan khoảng thế kỷ thứ VI qua con
đường Miến Điện. Lúc
đầu, giáo lý Phật giáo nguyên thủy Nam tông có ảnh hưởng rộng rãi, nhưng từ
giữa thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, phái Bắc tông chiếm ưu thế và được truyền
bá rộng rãi hơn. Trong thế kỉ XIII, Hoàng gia Thái Lan chính thức công nhận
Thượng tọa bộ, giáo lý của Phật giáo nguyên thủy làm cho trường phái Nam Tông
trở lại phát triển rộng rãi. Thế kỷ XIX, Vua Ma-ha Mông-cút dựa trên cơ sở Luật
tạng đã thành lập trường phái Pháp tông, đặt nền tảng cho Phật giáo cận đại tại
Thái Lan và trở thành trường phái có nhiều tín đồ nhất tại Thái Lan. Ngày nay,
Thái Lan là một trong những nước coi Phật giáo là quốc giáo, có 95% dân số theo
đạo Phật.
*Phật giáo tại Indonesia
Phật
giáo du nhập Indonésia khoảng thế kỷ thứ III sau công nguyên. Cao tăng Pháp
Hiển, vị tăng Trung Quốc đầu tiên đến Ấn Độ, cũng là người đến Nam Dương vào năm
418. Cuối thế kỷ thứ V thì Phật giáo bắt đầu phát triển tại Indonesia. Đến thế
kỷ thứ VII, Sumatra và Java trở thành hai trung tâm Phật giáo quan trọng. Tại
đây, giáo lý Đại thừa được truyền bá rộng rãi, bên cạnh một số tư tưởng Tiểu
thừa cũng được thừa nhận. Dưới thời vua Shai-len-dra, Phật giáo phát triển rực
rỡ. Khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, Mật tông bắt đầu thịnh hành. Đại thừa và Mật
tông tồn tại mãi đến thế kỷ thứ XV và trong suốt thời gian này, Phật giáo Nam
Dương liên hệ nhiều với Ấn Độ và với viện Na-lan-đà, một trung tâm Phật học lớn
của Ấn Độ. Có lẽ vì vậy mà khi Phật giáo bị tiêu diệt trên quê hương Ấn Độ, với
sự xâm nhập của Hồi giáo, Phật giáo cũng lụi tàn tại Nam Dương kể từ thế kỉ thứ
XV. Ngày nay ở Nam Dương, chỉ còn một số nhỏ tín đồ Phật giáo, chủ yếu trong
giới Hoa kiều.
*Phật giáo tại Campuchia
Phật
giáo du nhập vào Campuchia trong thế kỷ thứ III sau CN, theo văn hệ Phạn ngữ,
trường phái Thuyết nhất thiết hữu bộ và đạt được đỉnh cao khoảng thế kỷ thứ V,
thứ VI. Năm 791, người ta tìm thấy gần Angkor Wat một văn bản chứng tỏ rằng Đại
thừa đã có mặt nơi đây song song với việc thờ thần Thấp-bà, được coi là hóa
thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Một số văn bản bằng văn hệ Pali ghi năm 1309,
Thượng tọa bộ được hoàng gia công nhận và kể từ đó là giáo phái chính thống của
Campuchia. Mãi đến cuối thế kỷ thứ XIX,
Phật giáo truyền từ Thái Lan mới bắt đầu có ảnh hưởng tại đây.
*Phật giáo tại Lào
Gần như mọi người dân Lào đều theo đạo Phật. Ở Lào, Phật giáo
giữ vị trí quốc giáo từ nhiều thế kỷ nay. Phật giáo có ảnh hưởng đến việc hình
thành tính cách dân tộc, quan niệm nhân sinh của người Lào.
Theo
nhiều nguồn sử liệu còn để lại, vào khoảng thế kỷ XII, những người Môn đầu tiên
di cư xuống vùng Tây Lào đã mang theo rất nhiều kinh Phật, tượng Phật và những
tu sĩ am hiểu Phật giáo từ Sri Lanka đến truyền bá Phật pháp khắp các vùng phía
Tây Lào.
Đến thế
kỷ XIII, khi tộc người Lào Thay chinh phục xong toàn bộ phần đất Bắc Lào rộng
lớn, họ đã tiếp thu Phật giáo hệ phái Thượng Tọa bộ hay Therevada – Phật giáo
Nam tông và phát triển rộng khắp vùng Bắc và Trung Lào. Thời gian này, Phật
giáo Lào có quan hệ mật thiết với Phật giáo Sri Lanka. Trong khi đó, từ phía
Nam, Phật giáo Lào cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo Khmer vốn theo Thượng Tọa
Bộ - Therevada. Dưới thời đế chế Angkor thống trị (thế kỷ thứ VII- thế kỷ XIII,
Phật giáo Đại thừa đã được truyền bá vào Lào. Đến thế kỷ XIV, khi vua Phà Ngừm
(1316 - 1373) thống nhất toàn bộ lãnh thổ nước Lào, ông đã tiếp thu Phật giáo
Thượng Tọa Bộ từ Campuchia và phát triển trên khắp đất nước Lào.
Hiện
nay, Phật giáo tại Lào tồn tại đồng thời hai trường phái Bắc tông và ThượngTọa
bộ - Nam tông, trong đó phái Thượng Tọa bộ-Therevada chiếm đa số. Hiện nay ở
Lào có khoảng 6.300 cơ sở thờ tự của Phật giáo, hơn 20.000 tăng ni, tín đồ Phật
giáo chiếm khoảng 85% dân số Lào.
2.1.2.
Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hóa nghệ thuật của một số nước Đông Nam Á
Tư
tưởng Phật giáo với giá trị nhân bản cao cả, với tinh thần từ bi hỷ xả, đại độ
bao dung, tinh thần dân chủ, mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp không phân
biệt đẳng cấp đã góp phần rất lớn trong xây dựng nền tảng đạo đức nhân loại,
hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ.
Ở Đông
Nam Á, Phật giáo đi vào văn hóa các nước, kết hợp với bản sắc riêng của từng
dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, đặc biệt là góp phần làm phong phú
đời sống văn hóa tinh thần của các nước trong khu vực. Tuy vậy, trong bước đầu
tìm hiểu về Phật giáo ở Đông Nam Á, tiểu luận này chỉ đề cập đến ảnh hưởng, tác
động của Phật giáo đến nghệ thuật kiến trúc đền chùa của một số nước Đông Nam Á, góp phần làm phong phú kho tàng văn
hóa vật thể của Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.
Hình tượng Đức Phật và tư tưởng Phật
giáo là nguồn đề tài bất tận cho các nghệ sĩ. Ngày nay, trên thế giới, nhất là
tại các nước Đông Nam Á, rất nhiều di tích, di chỉ và trung tâm Phật giáo quan
trọng còn lưu giữ được. Qua các di tích đó, ta thấy Phật giáo đã góp phần làm
giàu kho tàng văn hóa nghệ thuật của các quốc gia Đông Nam Á với những kiến
trúc đền chùa và những công trình điêu khắc, họa phẩm Phật giáo độc đáo. Có thể
kể những di tích Phật giáo quan trọng sau đây tại một số nước Đông Nam Á:
*Tại Miến Điện, thành phố Yangon (hay Rangoon) và vùng phụ
cận là trung tâm Phật giáo lớn còn giữ lại được rất nhiều đền đài, trong đó có:
Tháp Shwedagon có chu vi 1.420 feet[11], cao 326
feet, toàn bộ được dát vàng và trang trí rất
nhiều gỗ, đá quí. Xung quanh tháp có 64 đền nhỏ. Truyền thuyết cho rằng đền này được xây dựng từ thời Đức Phật Thích Ca còn tại
thế, tức cách đây hơn 2500
năm. Độ cao nguyên thủy của ngôi đền là 66 feet, nhưng sau nhiều lần trùng tu nó đã đạt
được độ cao hiện tại.
Tháp Sule:
Theo truyền thuyết, đây là nơi chứa tóc Phật do hai đệ tử của Thích ca Mâu ni mang tới, cho nên số tuổi của
nó được cho là hơn 2000 năm. Tháp có tiết diện dạng bát giác, từ xa trông gần giống như
một cái chuông đặt úp, cao 152 feet, được trùng tu lần gần đây nhất là vào năm 1880.
Đền Botataung
được xây dựng gần như cùng lúc với đền Shwedagon. Đền cao 132 feet dùng thờ tóc
Phật.
Tại thành phố Bago, cách 80 km về phía bắc Yangon là nơi đóng đô của 42 vị vua
triều đại Bago. Nơi này có những di tích liên quan đến Phật giáo quan trọng như: Tượng đài Kyaik Pun được ghép từ 4 hình tạc Phật
khổng lồ nhìn về 4 hướng. Tượng đài được xây bởi vua Zedi năm 1467 đến nay vẫn còn nguyên vẹn; Chùa Shwemawdaw, là chùa cổ nhất Bago có
hơn 1.000 năm
tuổi, cao 114 mét và có thờ hai cọng tóc Phật trong bảo tháp.
Miền
Trung Miến Điện còn có Trung Tâm Phật giáo Bagan (hay Pagan). Đây là nơi được các nhà khảo cổ cho là có nhiều di chỉ
nhất thế giới mà chủ yếu là
di chỉ Phật giáo. Các vua ở nơi đây từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII đã cho xây hàng
ngàn chùa tháp. Anawrahta (1044-1077), vị vua đầu tiên, đã trở thành một Phật tử phái Thượng
tọa bộ sau khi hành hương đến Tích Lan, và ông đã chuyển xứ Bagan theo Phật giáo. Năm 1.287, triều đại này
sụp đổ bởi quân Mông Cổ
và thành phố Bagan bị xóa sổ. Nhiều đền đài ở đây đặc trưng cho các
kiến trúc Phật giáo. Tháp Shwezigon, tháp duy nhất phủ vàng, đã trở thành kiểu
mẫu cho nhiều đền tháp sau này.
Đền Ananda,
một trong những ngôi đền còn nguyên vẹn nhất được xây bởi Kyansittha vào năm 1.090. Nó là biểu
tượng cho năng lực trí huệ vô biên của Phật. Ngôi tháp ở trung tâm khu đền có
mặt cắt ngang hình vuông, độ cao 175 feet. Trong trung tâm của khối là 4 ảnh
Phật cao 31 feet quay về bốn hướng chính: Kakusanda (Phật Câu lưu tôn) hướng
Bắc, Konagamana (Phật
Câu Na hàm Mâu ni) hướng Đông, Kassapa (Phật Ca Diếp) hướng Nam và Gautama (Phật Cồ Đàm) hướng Tây.
Tháp Maha
Bodhi, đây là ngôi tháp làm theo khuôn mẫu của tháp Bodh Gaya của Ấn Độ và đã được đặt
cùng tên "Bồ Đề Đạo Tràng" được xây vào triều vua Nadaungmya (1211-1234). Tương truyền,
những người thợ xây tháp này đã được gửi sang Ấn Độ để phục hồi lại ngôi bảo
tháp nguyên thủy Bodh Gaya.
Ngoài ra nơi đây còn có các tháp Bupaya (850), Nathlaung Kyaung (931), Nga-kywe-na-daung (khoảng thế kỷ thứ IX), Shwezigon Paya (cuối thế kỷ XI), Pahtothamya...
*Tại Thái Lan
Thái Lan có rất nhiều di tích văn hóa Phật giáo, đa số
được xây dựng sau thế kỷ XIV, tiêu biểu như:
Phra Pathom Chedi (Tháp Phra Pathom) thuộc
tỉnh Nakhon. Ngôi
tháp Phra Pathom cao 120 m với đáy tròn có bán kính 233,5 m là tháp lớn nhất thế giới. Tháp này được khởi công
vào thời vua Mongkut Rama IV (1804-1868) trong vòng 17 năm, nhằm bao bọc cho một tháp nhỏ
hơn được cho là có từ hơn 2000 năm tuổi.
Wat Mahathat (chùa Mahathat). Đây là công
trình kiến trúc tiêu biểu cho ảnh hưởng của văn hóa Khmer (giai đoạn nghệ thuật Tích Lan). Khu
đền nằm ở trung tâm thành phố Ayutthaya, được xây dựng vào thời vương quốc Sukhothai, có tổng cộng
hơn 200 ngôi tháp. Cứ mỗi ngôi tháp lớn dạng đài sen sẽ được vây quanh bởi 8
tháp nhỏ hơn. Đền này có lẽ xây vào năm 1.374, nơi đây ngày trước được dùng để thờ mảnh xương
Phật. Ngày nay thì tháp trung tâm đã bị đổ nát do thời gian.
Ngoài ra, tại Ayutthaya còn có các đền thờ Phật nổi
tiếng là Phra Si Sanphet (xây
năm 1448) với ba ngôi tháp hình
chuông úp là biểu tượng cho Ayutthaya; Ratchaburana (xây vào thế
kỷ XV), và Lokaya Sutha (chưa xác
định chính xác niên đại).
Trung tâm Phật giáo Haripuchai, nay thuộc thành phố Chiang Mai. Đây là trung Phật giáo lớn của Thái
Lan cách đây khoảng 1.000 năm, hiện tại còn lại
rất nhiều chùa tháp. Trong số đó, có tháp Wat Chiang Mai dựng năm 1306. Đặc biệt, bên trong đền có một bức
tranh Phật được cho là mang về từ Sri Lanka 2.000 năm trước đây và một tượng Phật bằng pha lê lấy về từ tỉnh Lopburi (Thái Lan) có khoảng 1800
năm tuổi.
Ngoài ra, trung tâm Haripuchai còn các các đền Phật
khác như là: Chedi Luang (xây
năm 1.391), Chet Yot (xây cuối thế kỷ XV), Doi Suthep (xây năm 1.386), Phra Sing (xây năm 1.345) và Wat Suan Dok (xây vào thế kỷ XVI).
*Tại Campuchia
Một số
thuyết cho rằng đạo Phật đã du nhập vào Campuchia vào thế kỷ thứ III trCN. Có thuyết cho rằng đạo Phật du nhập
cùng lúc với đạo Bà la môn do việc mở rộng giao thương với Ấn Độ sớm nhất là
vào thế kỷ thứ I trCN. Nhưng lúc đó, trong suốt thời gian dài của vương quốc Phù Nam, đạo Bà
La Môn đã hưng thịnh hơn đạo Phật. Đến thế kỷ XII, vua Jayavarman II đã cho xây dựng ngôi
đền Hindu khổng lồ - đền
Angkor để thờ thần Vishnu. Đền
này mở rộng thành Angkor
Wat. Nhưng đến triều vua Jayavarman VII, trị vì từ 1.181-1.215, Phật giáo đã
gần như thay thế hoàn toàn vai trò của Ấn Độ giáo (Hindu giáo), Angkor Wat chuyển sang thờ Phật. Vua Jayavarman
VII còn cho xây
nhiều đền thờ Phật khác trong thành Angkor Thom (ở gần Angkor Wat) mà nổi tiếng nhất
đền Bayon.
Angkor
Thom là một công trình Phật giáo lớn nhất ở Campuchia được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, nay thuộc về
tỉnh Siem Reap. Nó có
đặc điểm là chịu rất nhiều ảnh hưởng của kiến trúc Bà La Môn. Thành có hào nước
bao bọc rộng 100m cặp
theo bốn vách tường cao 8m làm
thành một khu vực hình vuông mỗi cạnh khoảng 3 km theo các hướng chính. Các
cổng lớn được trổ ngay trung điểm của các bức tường cho các hướng Tây, Nam và
Bắc có các cầu bắc qua. Riêng hướng Đông có hai cổng vào. Các đường dẫn tới
cổng vào có các dãy 54 hình tượng bằng đá.
2.2. Phật giáo với văn
hóa Việt Nam
2.2.1.
Sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam
Qua các truyền thuyết và những di
tích lịch sử văn hóa, các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc
Việt Nam xác định rằng Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ
đầu Công nguyên, chẳng hạn truyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn
Độ; các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng
với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189. Nhiều
truyện kể dân gian Việt Nam xa xưa đã xuất hiện hình tượng Bụt xác nhận việc
tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên
âm trực tiếp thành "Bụt". Về sau, trong thời kỳ Bắc thuộc, do tiếp
thu những kinh văn Phật giáo từ Trung Hoa đưa sang, từ Buddha được phiên âm
theo theo Hán tự là Phật đà, sau rút gọn lại là Phật nên ta cũng gọi là Đức
Phật.
Ngoài
ra, Thiền uyển tập anh[12], một tư liệu thư tịch cổ còn giữ được cho phép các nhà nghiên
cứu xác định Phật Giáo du nhập vào Việt Nam vào năm 188 trCN, do nhà sư Ấn Độ tên Ma Ha Kỳ vực (Mahajivaka)
truyền bá vào. Và Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ đã
sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Thiền uyển tập anh ghi nhận
cuộc đàm luận giữa thiền sư Thông Biện và Thái Hậu Ỷ Lan tại chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc – Hà Nội) vào
ngày rằm tháng 2 năm 1096, Thiền sư Thông Biện dẫn
chứng lời pháp sư Đàm
Thiên (542-607 CN) nói với Tùy Cao Đế (541-604) rằng: "Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc,
Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông (Trung Hoa) chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa
hơn 20 ngôi, độ tăng hơn 500 người, dịch kinh được 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu Đà La, Ma La Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại
đó…[13]”.
Tuy nhiên thời điểm này nền văn minh Trung Hoa
bắt đầu mở rộng ảnh hưởng bằng tự nhiên hoặc cưỡng bức ra các nước lân cận,
trong đó có Việt Nam. Vì vậy, tuy được coi là xứ sở tiếp nhận Phật giáo
sớm hơn Trung Quốc, nhưng
Việt Nam lại chịu một sự truyền giáo ngược khi các văn bản kinh sách bằng chữ Hán được truyền từ Trung Hoa sang. Hơn nữa, Việt Nam thường xuyên hứng
chịu những cuộc xâm lăng của ngoại bang, các công trình kiến trúc nói
chung, cũng như kiến
trúc và thư tịch Phật giáo nói riêng đã bị huỷ hoại phần lớn.
Về quá
trình phát triển, trong kỷ nguyên độc lập tự chủ, Phật giáo có điều kiện phát
triển mạnh mẽ. Đến đời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được
coi là quốc giáo, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt trong đời sống dân tộc. Nhưng đến
đời Hậu Lê khi Nho giáo được coi là quốc giáo, Phật giáo đi vào giai đoạn suy
tàn. Đến đầu thế kỷ XVII, Vua Quang Trung cố gắng chấn hưng Phật giáo, nhưng
Vua mất sớm nên việc chấn hưng không có nhiều kết quả. Cho đến thế kỷ XX, mặc
dù bị ảnh hưởng bởi quá trình Âu hóa, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ
khởi đầu từ các đô thị miền Nam với sự đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh
Hòa, Thiện Chiếu…
Như
vậy, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ khá sớm và đã ăn sâu bám rễ trong
lòng dân tộc, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc
ta.
2.2.2.Ảnh
hưởng của Phật giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam
*Phật
giáo với kiến trúc chùa chiền Việt Nam
Do có
vị trí chiến lược đặc biệt trên bản đồ khu vực và bản đồ thế giới, từ khi lập
quốc, Việt Nam đã thường xuyên bị các nước lớn bên ngoài dòm ngó, xâm chiếm.
Chính vì vậy, dân tộc Việt Nam không có nhiều tiền của và thời gian để thực
hiện những công trình văn hóa vật thể lớn. Hơn nữa, do chiến tranh, nhiều công
trình văn hóa (kiến trúc, điêu khắc, văn học…) đã bị mai một. Các công trình
kiến trúc Phật giáo quan trọng còn giữ được đến nay gồm:
*Trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Bắc Ninh) là trung tâm Phật
giáo lớn của quận Giao
Chỉ vào thế kỷ thứ I. Tại đây còn sót lại khá nhiều ngôi chùa cổ, ví dụ: Chùa
Dâu hay còn gọi là chùa Liên Ứng, ở làng Dâu được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ
III, là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam hiện nay; Chùa Bút Tháp, tên ban đầu là Ninh
Phúc Tự được xây dựng vào thời vua Lê Thánh Tông (1258-1278); Chùa Phật Tích
khởi công xây dựng vào năm 1057.
*Vùng kinh đô Hoa Lư
(Ninh Bình) có nhiều
chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ X như chùa Nhất Trụ được xây dựng từ
thời Tiền Lê là nơi tu
hành và họp bàn việc nước của các đại sư Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn
Hạnh; chùa Bái Đính được
xây dựng vào triều nhà Lý; ngoài ra còn có các chùa Am Tiên, chùa Thiên Tôn, chùa Kim
Ngân, chùa Bà Ngô, chùa Duyên Ninh, chùa Bàn Long, chùa Đìa, chùa Tháp đều được
xây dựng từ thời Đinh.
*Khu vực Hà Nội (Thăng Long) là một trung tâm Phật giáo lớn với
các di chỉ Phật giáo đáng kể như: Chùa Trấn Quốc với tên đầu tiên là chùa Khai
Quốc, được xây dựng vào thời Lý Nam Đế (544-548); Chùa Báo Ân được xây dựng vào
thời nhà Trần, là một trong những trung tâm lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm,
nơi các vị đại sư sáng lập Thiền Tông Trúc Lâm như vua Trần Nhân Tông, thiền sư
Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang đã từng trụ trì ; Chùa Một Cột (chùa Diên Hựu)
được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1049, nằm giữa Hà Nội, đã được trùng
tu nhiều lần trong lịch sử; Chùa Đậu: Tương truyền chùa có từ đầu công
nguyên, nhưng theo văn bia ở chùa thì chùa được dựng từ đời nhà Lý. Chùa còn lưu
lại nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như đôi rồng đá, khánh, chuông... Đặc
biệt, trong chùa có hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ
trì chùa vào khoảng thế
kỷ XVII; Chùa Thầy tọa lạc ở chân núi Sài Sơn (trước thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà
Tây. Nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội). Chùa được dựng từ đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128). Lúc
đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sau đó, được mở rộng ra. Chùa xây theo
hình chữ "Tam" có ba lớp: Chùa Hạ, chùa Giữa, chùa Thượng. Lớp ngoài
cùng là nơi tế lễ, lớp giữa thờ phật, lớp trong cùng thờ sư Từ Đạo Hạnh.
*Tỉnh Quảng Ninh: có núi Yên tử là nơi phát xuất của
phái thiền Yên Tử. Nơi đây là một quần thể nhiều chùa trong đó có chùa Hoa Yên
(tên cũ là Vân Yên – thế
kỷ XIII) nơi các vị tổ phái Yên Tử trụ trì. Ngôi tháp nổi trội nhất là
Tháp Tổ, bằng đá, sáu tầng.
Còn lại là các chùa Quỳnh Lâm, Long Động, Giải Oan, Bảo Sái, Một Mái và chùa
Đồng là chùa cuối nằm trên đỉnh Yên Tử…
*Qua Di chỉ văn hoá Óc-eo, trải dài
trên các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, ta khai quật được nhiều tượng Phật
bằng gỗ chứng tỏ Phật giáo đã sớm có mặt ở vùng này từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ
thứ VII, được du nhập bằng đường biển.
*Phật
giáo với văn hóa tinh thần truyền thống của người Việt
Tư
tưởng đạo đức của Phật giáo rất phù hợp với những quy tắc ứng xử thể hiện tâm
hồn, tình cảm, đạo đức của dân tộc Việt Nam. Truyền thống dân tộc Việt Nam là
truyền thống yêu nước, thương nòi, là tinh thần đoàn kết, nhân nghĩa, sống có
tình có nghĩa, ăn ở hiền lành… Những giá trị tinh thần truyền thống đó hoàn
toàn phù hợp với tinh thần từ bi, bác ái, hỷ xả của Phật giáo. Vì vậy, Phật
giáo dễ dàng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần của dân tộc, hòa quyện với
các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, khi nghiên cứu văn
học dân tộc, kể cả văn học dân gian lẫn văn học thành văn, ta dễ dàng nhận thấy
tinh thần Phật giáo thể hiện rất đậm nét. Điều đó còn xuất phát từ nguyên nhân
là trong quá trình du nhập, tồn tại và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo luôn
luôn song hành cùng dân tộc, đã đóng góp rất lớn trong lịch sử xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc, đóng góp rất lớn trong sự nghiệp chính trị, tư tưởng văn hóa của
dân tộc, đã trở thành tâm hồn, tình cảm của người Việt… “Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong
lịch sử tư tưởng văn hóa nước ta”[14].
Ví dụ trong văn học dân gian, các truyện cổ tích
của nhân dân ta từ xa xưa thường ca ngợi những người hiền hậu, tốt bụng thì
hình tượng Bụt (phiên âm từ Boudha) là biểu tượng cho sự hiền lành, “hiền như
Bụt”. Bụt luôn yêu thương, giúp đỡ những người nghèo nhưng hiếu thảo, tốt bụng
và bị kẻ ác hiếp đáp… Đó là hình tượng Bụt trong truyện “Tấm, Cám”, trong “Cây
tre trăm đốt”… Trong ca dao, thành ngữ, những câu “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió
gặt bão”… vừa là kinh nghiệm sống, vừa là mơ ước về lẽ công bằng của người
Việt, rõ ràng thể hiện sâu sắc Thuyết nhân-quả của Phật giáo.
Chùa
Việt Nam là nơi quy tụ tín đồ Phật giáo, là nơi thể hiện tín ngưỡng, đồng thời
là trung tâm sinh hoạt văn hóa, hội hè, sinh hoạt văn nghệ của quần chúng. Chùa
là nơi để lại những dấu ấn quan trọng về văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt
Nam với những kiểu kiến trúc, điêu khắc và những áng thơ văn đặc sắc. Ví dụ:
-
Bài
kệ thiền của vua Vua Trần Nhân Tông:
Cư trần lạc đạo thả tùy
duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc
miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm
mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn
thiền
- Bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Sư Thích Chân Tuệ (Mãn Giác Thiền
Sư):
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Dịch:
“Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Già đến trên đầu rồi!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ngoài sân đêm trước một cành mai” [15]
Tư
tưởng Phật giáo còn tác động mạnh mẽ tới tư tưởng chính trị của dân tộc ta.
Thời kỳ Ngô – Đinh – Lê, các vị cao tăng đã có những đóng góp quan trọng vào
việc nước, vào công việc của triều đình. Năm 987, nhà sư Đỗ Thuận được vua Lê
Đại Hành cử làm Giang lệnh đem thuyền đón sứ thần Trung Quốc là Lý Giác đi sứ
sang ta. Tài trí của nhà sư đã làm cho vị sứ thần vốn là Quốc tử giám bác sĩ
của Trung Quốc không dám coi thường dân tộc Đại Việt[16].
Thời Lý-Trần, Phật giáo trở thành quốc giáo. Bản lĩnh của vua Lý Thái Tổ vốn
được hình thành từ sự nuôi dưỡng và dạy dỗ của hai vị cao tăng là Sư Lý Khánh
Vân và Sư Vạn Hạnh. Thời nhà Lý, các vị đại sư như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông
Biện, Viên Thông, Không Lộ… được ban hiệu Quốc Sư, giúp Vua quản lý các tăng đồ
về mặt hành chính, đồng thời bảo vệ quyền lợi của Phật giáo[17].
Đời nhà Trần, Các Vua Trần sau một thời gian chấp chính đều lui về tu hành ở
chùa. Vua Trần Nhân Tông là người sáng lập phái Thiền Tông Trúc Lâm Việt Nam.
Tư tưởng Thiền Việt Nam đã được phản ánh trong những bài thơ rất đẹp của Vua
Trần Nhân Tông và nhiều vị cao tăng khác mà ta đã thấy ở trên.
Trong hệ thống giá trị đạo đức, tinh thần của người
Việt, đạo đức cao nhất, giá trị tinh thần cao nhất là chủ nghĩa yêu nước. Trong suốt tiến trình lịch sử dân
tộc, từ thuở các vua Hùng dựng nước đến nay, chủ nghĩa yêu nước của dân tộc
không ngừng được củng cố, phát triển với những biểu hiện hết sức phong phú,
sinh động theo từng thời kỳ lịch sử. Các triết lý đông, tây vào Việt Nam đều
được khúc xạ qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước. Cũng vậy, Phật giáo vào Việt Nam
được người Việt tiếp nhận và vận dụng sáng tạo phù hợp với chủ nghĩa yêu nước,
tinh thần dũng cảm, bất khuất trong đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Phật
giáo phát triển thuận lợi ở Việt Nam trước hết vì đây là sự giao lưu văn hóa tự
nhiên mà không phải là sự cưỡng bức do quá trình xâm lược, áp đặt của ngoại
bang. Và những giá trị nhân bản của Phật giáo rất phù hợp với tình nhân ái,
thủy chung, lối sống cộng đồng, biết hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc. Với chủ
nghĩa yêu nước Việt Nam, Phật giáo được người Việt hiểu và vận dụng phù hợp với
hoàn cảnh của một đất nước thường xuyên đối phó với nạn ngoại xâm. Nếu như giáo
lý nhà Phật quán xuyến tinh thần từ bi, bác ái rộng lớn giữa chúng sinh cho nên
cấm sát sinh là một trong những giới cấm trước tiên của Phật giáo, thì ở Việt Nam,
Người Việt Nam không hiếu chiến, có truyền thống nhân nghĩa, thủy chung, nhưng
khi bất kỳ thế lực nào xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân
tộc, thì toàn dân kiên quyết đứng lên chống giặc. Tinh thần hy sinh cứu khổ
chúng sinh của đức Phật phù hợp với đức
hy sinh vì đại nghĩa của dân tộc, mà cái nghĩa lớn nhất của dân tộc ta là sẵn
sàng hy sinh, xả thân vì Tổ quốc.
Trong
các thời kỳ đất nước có ngoại xâm, Phật giáo cũng góp phần chống giặc. Thời kỳ
Bắc thuộc, bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị tích cực của Nho
giáo, Lão giáo, người Việt đã tiếp biến các giá trị Phật giáo để đấu tranh
chống lại âm mưu Hán hóa của các thế lực phong kiến phương Bắc, góp phần bảo vệ
bản sắc văn hóa dân tộc. Thời Trần, thắng lợi của ba cuộc kháng chiến chống
quân Nguyên có sự góp công rất lớn của các chùa chiền và các vị sư. Thời kỳ
kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, các nhà sư tiếp tục ủng hộ lực
lượng cách mạng bằng nhiều hoạt động phong phú như biểu tình chống các chính
sách kinh tế, văn hóa phản động của đế quốc và tay sai, chống bắt lính, đấu
tranh bảo vệ Đạo… Nhiều nhà tu hành, Phật tử trực tiếp tham gia vào công cuộc
đấu tranh chống đế quốc xâm lược, hoặc ủng hộ, che giấu cán bộ, chiến sĩ cách
mạng. Người Việt Nam và Phật giáo Việt Nam mãi mãi tưởng như vừa mới đó, ngày
11 tháng 6 năm 1963, Hòa Thượng Thích
Quảng Đức, đã biến mình thành ngọn đuốc giữa Sài Gòn nhằm phản đối sự
đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, làm tăng thêm sức mạnh cho
phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn của nhân dân yêu nước chống Mỹ, trở
thành vị Bồ tát của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhà chùa là nơi che chở cho lực
lượng kháng chiến: Một bộ phim tài liệu của nước ngoài về cuộc kháng chiến
chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, đã trích đoạn bức thư của một quân nhân Mỹ gửi
cho người yêu khi anh đang trong đoàn quân viễn chinh của Mỹ tại Miền Nam Việt
Nam. Anh lính kể rằng: Hôm nay bọn anh được lệnh tấn công vào một ngôi chùa –
em hiểu cho, tấn công chùa chiền là điều không đúng một chút nào, nhưng bọn anh
được cấp trên ra lệnh, vì có tiếng súng của đối phương phát ra từ đó …
KẾT LUẬN
Phật
giáo là một trong những thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại thời cổ đại, và
vẫn là giá trị tư tưởng, tinh thần vĩ đại trong thế giới ngày nay. Với Tam tạng
kinh, triết lý Phật giáo là một kho tàng tri thức đồ sộ mà nếu không có thái độ
nghiên cứu nghiêm túc, ta sẽ không dễ gì hiểu hết.
Qua
bước đầu tìm hiểu về Phật giáo, và qua ý kiến của một số nhà nghiên cứu về Phật
giáo, ta thấy ở một số khía cạnh, tư tưởng Phật giáo đã thể hiện thế giới quan
duy vật và tinh thần biện chứng. Tuy nhiên, Đức Phật không quan tâm nhiều đến
vấn đề bản chất của vũ trụ. Điều mà Ngài quan tâm nhất là những vấn đề nhân
sinh, là giáo dục đạo đức cho con người, chỉ ra những cách thức để con người
nâng cao hiểu biết nhằm sống đẹp, sống thiện, sống vui góp phần từng bước nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người. Nếu mỗi người trong cuộc sống
này thực hành được những điều Phật dạy: thực hành bát chính đạo, từng ngày một
rèn luyện mình thực hành “tám muôn tế hạnh” của Đức Phật thì quả thật, cõi Niết
bàn không phải ở trên trời mà nó đã ở ngay trong trần thế. Tất nhiên, xã hội
loài người hết sức phức tạp, không thể nào có được một cuộc sống trọn vẹn của
cõi Niết Bàn như trong tư tưởng Phật giáo. Nhưng đó là định hướng để con người
vươn tới, giúp xã hội ngày càng tốt hơn lên, góp phần cân bằng cuộc sống vật
chất và tinh thần của xã hội và của từng con người. Đó cũng là những mong mỏi
xuất phát từ tấm lòng yêu thương vô hạn của Đức Phật đối với chúng sinh, mơ ước
một ngày con người không còn kiếp khổ. Chính tư tưởng nhân bản cao cả của Phật
giáo đã làm cho Phật giáo dù trải qua bao thăng trầm, qua hơn 2.500 năm vẫn
tiếp tục tồn tại và phát triển. Đặc biệt là đối với các nước Đông Nam Á nói
chung và đối với Việt Nam nói riêng, Phật giáo sẽ còn tiếp tục đóng góp vào sự
phát triển của đất nước. Dĩ nhiên, tự bản thân Phật giáo Việt Nam phải tìm cho
mình những phương thức nhằm tiếp tục đứng vững trong lòng dân tộc, trước những
yêu cầu mới của đất nước. Đồng thời, những người lãnh đạo đất nước cũng phải
tìm kiếm những biện pháp thích hợp giúp Phật giáo đồng hành cùng dân tộc như
lịch sử đã từng chứng kiến:
“Trang
sử Việt
Cũng
là trang sử Phật
Trãi
bao độ hưng suy
DANH MỤC TÀI
LIỆU THAM KHẢO
===========
1. Bộ GD&ĐT (2003), Giáo trình Triết học Mác-Lênin, Nxb
CTQG, HN.
2. Đào Duy
Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin.
3. Đặng Đức
Siêu (2002), Hành trình văn hóa Việt Nam (giản yếu), Nxb Lao Động, HN.
4. Đỗ Văn
Nhung (1993), Giáo trình lịch sử thế giới Cổ Trung đại, Trường Đại học
Tổng hợp Tp.HCM, Khoa Lịch sử, Tài liệu lưu hành nội bộ.
5.
Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt
Nam, Nxb Hội Nhà văn.
6.
Lê Văn Chưởng (1996), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường Đại học khoa học Tự nhiên Tp.HCM.
7. Nguyễn Gia Phu (1993), Đại cương lịch
sử phương Đông Cổ Trung đại, Nxb Tổng hợp tp HCM.
8. Thích Chơn Thiện (1999), Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali (www. Budsas.org)
9. Thích Thanh Từ (1990), Phật giáo- những vấn đề triết học, Trung
tâm tư liệu Phật học.
10.
Trần
Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam,
Nxb. Giáo Dục.
11.
Trung
tâm KHXH&NVQG (2004), Tinh tuyển văn
học Việt Nam, tập 3, Nxb KHXH.
12.
Trương
Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (2001), Đại cương lịch sử Việt Nam toàn
tập, Nxb GD.
12. Will
Durent, Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Ấn Độ
13.
www//Wikipedia.org/wiki/, bài “Phật
giáo”, “Lịch sử Phật giáo”
CHÚ THÍCH
[1] - Năm 486 trCN: Hội nghị kết tập kinh điển lần I tại
thành Vương Xá (Raijagaha), hình thành các bộ kinh văn căn bản của Phật giáo
nguyên thủy (Kinh Trường A Hàm, Kinh Trung A Hàm, Kinh Tăng nhất A Hàm, Kinh
Tạp A Hàm).
- Khoảng những năm 443-379: Hội nghị kết tập kinh điển
lần II tại Vesali. Sau Hội nghị này, có sự phân hóa thành trường phái Đại chúng
bộ và Thượng Tọa bộ.
- Khoảng năm 225 trCN, Hội nghị kết tập kinh điển lần
thứ III, hoàn thiện Tam tạng kinh.
- Khoảng 400 năm sau ngày Đức Phật “nhập Niết bàn”
(thế kỷ I trCN), Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ IV, hiệu đính, sắp xếp và
dịch Tam tang kinh sang tiếng Pali. Các lần kết tập sau đều là của phái Thượng
Tọa bộ (lần thứ V năm 1871 và lần thứ VI 1954). (xem Lịch sử Phật giáo,
Wikipedia.org)
[2]
Dẫn theo Nguyễn Gia Phu (1993), Đại cương
lịch sử Phương Đông Cổ Trung đại, Nxb Tổng hợp tpHCM, tr 48.
[3] Bộ
GD&ĐT (2003), Giáo trình Triết học
Mác-Lênin, Nxb CTQG, HN, tr 37.
[4]
Dẫn theo Thích Chơn Thiện (1999), Lý
thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali (www.budsas.org)
[5] Niết bàn được các trường phái Phật
giáo giải thích khác nhau. Theo lời dạy của Đức Phật thì Niết Bàn có nghĩa là
diệt mọi ham muốn cá nhân, nhờ vậy mà thoát cảnh luân hồi; là trạng thái thoả
mãn, bình tĩnh của tâm hồn khi ta không còn nghĩ lo về bản thân nữa. Tuy nhiên,
Niết Bàn còn có nghĩa là thoát khỏi vòng luân hồi, phần thưởng cao nhất của
người tu hành đắc đạo.
[6]
Will Durent, Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Ấn
Độ
[7]
Sri Lanca là một đảo quốc nằm ngoài khơi cách đất liền nam Ấn Độ 30km.
[8]
Nguyễn Gia Phu (1993), sđd, tr 53-54.
[9]
Sri Lanka là một đảo quốc nằm ngoài khơi cách đất liền nam Ấn Độ 30km.
[10]
Theo thống kê trên Website
adherents.com thì số người theo
đạo Phật trên thế giới vào năm 2005 có khoảng 376 triệu người. Nhưng trang web
này cũng ghi nhận có nhiều ý kiến khác nhau và sự chênh lệch lên đến 500 ngàn
người.
[11]
Một feet = 0, 305m.
[12] Nhiều
tư liệu khác nhau về lai lịch của sách này, nhưng có nhiều dữ liệu khiến các sử
gia nhận định rằng sách ra đời trước năm 1134 là năm mất của Thiền sư Thông
Biện và hoàn tất vào thế kỷ XIII. Đây là một trong những sách cổ nhất về lịch
sử Phật giáo Việt Nam mà ta còn lưu giữ được.
[13] Trung
tâm KHXH&NVQG (2004), Tinh tuyển văn
học Việt Nam, tập 3, Nxb KHXH, tr 313.
[14] Thích
Thanh Từ (1990), Phật giáo, những vấn đề triết học, Trung tâm tư liệu Phật học.
[15] Trung
tâm KHXH&NVQG (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 3, Nxb KHXH, tr 315.
[16] Trương
Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (2001), Nxb Giáo dục, tr 116.
[17] Trương
Hữu Quýnh…, sđd, tr 124.
[18] Vũ
Hoàng Chương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét